Dù bạn là ai, dù căn bệnh trầm cảm đã cướp đi từ bạn nhiều điều đến thế nào cũng xin bạn đừng mất niềm tin vào chính mình. Chỉ khi bạn tin tưởng bản thân, bạn đã có 50% chiến thắng.

Mình đã đánh mất những gì kể từ khi bị trầm cảm?

Từ lúc mình bị trầm cảm đến giờ cũng đã gần 5 năm rồi. Trong suốt khoảng thời gian đó, xét về khả năng chiến đấu, mình hiểu rất rõ bản thân đang như thế nào và mình cần phải làm gì khi mình bệnh. Tuy nhiên, sau những đợt tái phát, những cơn hoảng loạn trầm uất kéo dài, mình dần mất đi ý chí chống trả. Gần như là thường xuyên, mình cảm thấy bản thân là một kẻ thất bại và vô dụng. Khi nhìn lại cuộc chiến của bản thân, mình chợt nhận ra rằng bản thân đã đánh mất rất nhiều điều. Đó là những gì mình trân quý, những gì mà mình không bao giờ muốn nó mất đi, không bao giờ muốn nó bị hủy hoại. Nhưng không. Dưới đây là những điều mà mình đã nghiệm ra được rằng căn bệnh trầm cảm đã cướp đi từ mình những gì, dù bản thân đã cố gắng bảo vệ và xây dựng.

Sức khỏe tinh thần và thể chất

Đúng vậy. Nó, con quái vật mang tên trầm cảm, chính nó đã cướp đi sức khỏe, điều vốn là tài sản quý giá nhất của mình. Khoảng thời gian ấy đối với mình thật sự sụp đổ. Tinh thần luôn ở trạng thái bất an vì mình lo sợ nó xuống dốc và mình sẽ lại để cho con quái vật ấy nuốt chửng. Mình cảm thấy bản thân thật bất hạnh, mất mát và trống rỗng. Đôi lúc tinh thần của mình phấn chấn trở lại. Nhưng rất nhanh sau đó, nó lại trượt dài đến mức báo động. Và khi ấy, mình sẽ khóc lóc vật vã như một người mất trí. Và bạn biết không? Trầm cảm không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của mình. Vâng. Mình đã bị tăng cân mất kiểm soát. Việc uống thuốc điều chỉnh cảm xúc làm cho tay của mình bị run. Đôi khi còn cảm thấy tức ngực và khó thở mỗi khi lo lắng hay căng thẳng. Ngoài ra, việc stress liên tục làm hệ tiêu hóa của mình gặp vấn đề. Cụ thể là mình đã bị hội chứng ruột kích thích. Đó là lần mà mình vô cùng khiếp hãi căn bệnh này. Và cứ thế cho đến tận bây giờ, 5 năm rồi, thật quá sức chịu đựng.

Các mối quan hệ

Vô số lần mình cáu kỉnh với bạn bè, người thân chỉ vì những điều nhỏ nhặt. Và bạn có biết, đối với người trầm cảm, những điều mà bạn cho rằng nó thật nhỏ nhặt và ngớ ngẩn, với họ lại vô cùng kích động, phóng đại hóa cảm xúc của mình lên. Đừng trách họ. Chỉ đơn giản là các thông tin được truyền đến não bộ của họ bị mã hóa rồi giải sai bét. Họ không hề nhận ra điều đó. Hoặc có, nhưng họ không cách nào kiểm soát được chúng. Quay trở lại với bản thân, trầm cảm như một bức tường vô hình ngăn cách mình với thế giới bên ngoài. Nó khiến mình tự xây dựng một thành lũy cô lập bản thân. Khiến mình tránh né những cuộc gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè. Cũng từ đó mà các mối quan hệ với họ dần mờ nhạt rồi biến mất. Và mối quan hệ với người thân cũng vậy. Tệ thật!

Khả năng tập trung

Đó là những lần mình cố gắng để lắng nghe thanh âm của thế giới bên ngoài. Cố gắng nghe xem mọi người đang nói chuyện gì, quan sát xem họ đang làm gì. Nhưng dù thế nào, mình cũng cảm thấy bị phân tâm, không cách nào tập trung được. Trong học tập, mình luôn phải cố gắng hơn tất cả mọi người mới có thể hoàn thành tốt việc học. Bạn hỏi tại sao ư? Bởi vì những người trầm cảm, họ rất khó tập trung để làm bất cứ việc gì. Tâm trí họ giống như bị bao phủ bởi màn sương dày đặc, xen lẫn với đó là những tiếng nói chỉ trích từ nội tâm. Vậy thì làm sao mà họ có thể tập trung hoàn thành công việc của mình mà không bị xao nhãng cho được.

Khả năng ghi nhớ

Đây có lẽ là điều mà tất cả những người lớn tuổi đều gặp phải. Bởi não bộ của chúng ta theo thời gian sẽ nạp rất nhiều thông tin và khi bộ nhớ đầy, chúng ta sẽ khó ghi nhớ hơn trẻ con. Tuy nhiên, đối với người trầm cảm, khả năng này còn bị hạn chế đi rất rất nhiều so với một người bình thường. Trầm cảm có thể làm cho mình quên đi những gì đã trải qua trong quá khứ, đôi khi là ngày hôm qua. Tất nhiên, nó không giống với bệnh alzheimer. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng trầm cảm có khả năng gây ra cho người bệnh những khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin của bản thân họ. Vậy nên, mình đã có nhiều lúc thật sự bất lực khi phải cố gắng để ghi nhớ bài vở, kiến thức trên trường lớp. Nó thật sự ảnh hưởng nhiều tới mình.

Hạnh phúc

Mình biết rằng, việc chúng ta theo đuổi hạnh phúc sẽ chỉ càng khiến cho hạnh phúc rời bỏ chúng ta. Tất cả mọi người đều sẽ cảm thấy hạnh phúc ở những khoảnh khắc tự nhiên, không gượng ép. Còn người trầm cảm thì sao, não bộ của họ tiết ra ít hoocmon gây cảm giác hạnh phúc. Họ luôn cảm thấy bản thân buồn chán. Và mình cũng vậy. Nó không chỉ gây ra cảm giác bất hạnh cho mình mà nó thật sự gây ra bất hạnh cho mình. Đó là các mối quan hệ, sức khỏe, khả năng học tập... Thật khó để mình cảm thấy hạnh phúc.

Gặp khó khăn khi thực hiện những mục tiêu, dự định

Mình không có ý định đổ lỗi cho trầm cảm khi gặp thất bại trong việc hành động để hoàn thành mục tiêu. Nhưng thật sự, căn bệnh này khiến mình luôn cảm thấy kiệt sức, kể cả khi mình chẳng làm gì cả, mình vẫn cảm thấy vậy. Rất khó để mình duy trì bền bỉ những dự định. Mình mệt. Mình biết điều đó. Mình biết rằng mình cần nghỉ ngơi để reset lại bản thân. Nhưng tần suất mình nghỉ ngơi ngày càng nhiều. Điều đó chỉ khiến mình muốn bỏ cuộc và mọi kế hoạch chấm dứt. Mình cần rất nhiều lời động viên từ mọi người xung quanh mới có thể hoàn thành tốt công việc của mình được.

Tạm kết: Mặc dù căn bệnh trầm cảm đã lấy đi từ mình rất nhiều thứ. Nhưng với mình, trầm cảm, nó vừa là khiếm khuyết lại vừa là đặc ân. Bởi nhờ có trầm cảm, mình mới biết trân trọng bản thân, trân trọng những giây phút hạnh phúc dù ngắn ngủi. Nhờ có trầm cảm, mình mới mạnh mẽ hơn và thỉnh thoảng lại vỗ ngực tự hào rằng bản thân là một chiến binh can trường. Vậy nên, dù bạn là ai, dù căn bệnh trầm cảm đã cướp đi từ bạn nhiều điều đến thế nào cũng xin bạn đừng mất niềm tin vào chính mình. Chỉ khi bạn tin tưởng bản thân, bạn đã có 50% chiến thắng.

Tác giả: Mê Cốc

Nguồn ảnh: Google image